VNIDA phối hợp với FTU tổ chức Hội thảo “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững”

Trong 2 ngày 17 và 18/12/2024, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững: Sáng kiến đổi mới và phương pháp tiếp cận xuyên ngành” đã chính thức diễn ra.

Hội thảo quốc tế “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững: Sáng kiến đổi mới và phương pháp tiếp cận xuyên ngành” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu sáng tạo – Trường Đại học Ngoại thương (FICR), Đại học Laval (Canada), Hội thành viên độc lập Hội đồng quản trị Việt Nam, cùng với sự hợp tác của Đại học Rennes II, Đại học Rennes và các trường đại học khác trong mạng lưới NODYPEX, cũng như sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững”
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng giảng viên, sinh viên

Như đã biết, rừng hiện bao phủ khoảng 31% diện tích đất của thế giới và cung cấp môi trường sống cho phần lớn các loài thực vật và động vật. Rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hấp thụ 30% tất cả các khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại các sản phẩm và dịch vụ rừng đã gây ra những tác động tiêu cực đến việc quản lý rừng bền vững, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Nhu cầu về gỗ để sản xuất một số loại sản phẩm xuất khẩu, buôn bán động thực vật hoang dã, nhu cầu về đất để trồng cây nông nghiệp cũng như chăn nuôi… là những lý do chính gây ra nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học và diện tích rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đó, cần có hành động cấp bách để đảm bảo tương lai của các hệ sinh thái rừng quan trọng.

Trong những năm gần đây, nhiều bên liên quan (các tổ chức quốc tế, khu vực, các quốc gia và khu vực tư nhân) đã tăng cường nỗ lực trong việc ban hành và thực hiện các sáng kiến đổi mới với các phương pháp tiếp cận liên ngành nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững. Các sáng kiến chia sẻ kiến thức, trao đổi dữ liệu và chuyển giao công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rừng bền vững thành công ở nhiều quốc gia.

Theo đó, Hội thảo quốc tế “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững: Sáng kiến đổi mới và phương pháp tiếp cận xuyên ngành” sẽ là cơ hội để tập hợp các thông tin liên lạc làm nổi bật các khía cạnh khác nhau của việc tái cân bằng thương mại và quản lý rừng bền vững thông qua việc phân tích các sáng kiến đổi mới và cách tiếp cận liên ngành trong lĩnh vực này.

Chủ tịch VNIDA, Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cùng giảng viên, sinh viên nhằm trao đổi ý tưởng sáng tạo, chia sẻ giải pháp đột phá về phát triển thương mại và quản lý rừng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng gia tăng.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, nhấn mạnh: “Quản lý và phát triển rừng bền vững gắn với thương mại quốc tế là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Đây là cơ hội để các bên liên quan, từ nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, đến doanh nghiệp, cùng tìm kiếm các mô hình sáng tạo nhằm đạt mục tiêu kép: Phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên rừng bền vững”.

Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững”
PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại Hội thảo

Một trong những điểm nhấn của Hội thảo là lễ ra mắt Mạng lưới Nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững, quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các nghiên cứu mang tính ứng dụng, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn và tạo giá trị thương mại trong tương lai.

Với gần 70 bài viết được gửi về, hội thảo chọn lọc 37 bài để trình bày, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững. Các tham luận không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn mang tính ứng dụng thực tiễn cao, từ cải tiến chính sách, áp dụng công nghệ mới đến phát triển mô hình kinh tế rừng bền vững.

Cụ thể, trong phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia tập trung phân tích thách thức và cơ hội trong việc tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng. Các nghiên cứu đưa ra bài học kinh nghiệm từ các mô hình quốc tế như cách tiếp cận của Hoa Kỳ, đồng thời nêu bật tiềm năng phát triển thương mại sản phẩm gỗ đi đôi với việc bảo vệ rừng bền vững. Đây được xem là nền tảng để định hướng các chiến lược dài hạn cho ngành lâm nghiệp toàn cầu.

Công nghệ và đổi mới là trọng tâm của phiên thảo luận thứ hai, với những nghiên cứu tiên tiến như “Quản trị và quản lý rừng thông minh” của Giáo sư Lucien Castex (Pháp) và ứng dụng thuật toán học máy trong việc xây dựng bản đồ số hóa sinh khối rừng tại Đà Nẵng, Việt Nam. Các giải pháp này không chỉ giúp quản lý rừng hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện hỗ trợ các yêu cầu khắt khe như EUDR (Quy định về chống phá rừng của EU).

Phiên thứ ba nhấn mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ trong việc cân bằng thương mại và quản lý rừng. Những nghiên cứu sâu sắc như “Tái cân bằng giữa tự do hóa thương mại và quản lý rừng qua điều ước quốc tế” của TS. Trần Phương Ngọc, hay “Ảnh hưởng của thương mại quốc tế đến thể chế môi trường tại Việt Nam” của TS. Trần Hoàng Minh, đã làm rõ tầm quan trọng của sự phối hợp đa bên trong việc xây dựng chính sách bền vững.

Hội thảo bao gồm 6 phiên tham luận chính

Trong phiên thảo luận thứ tư, các chính sách quốc gia và hiệp định thương mại được phân tích kỹ lưỡng. G.S Nguyễn Hồng Thao đã trình bày về tác động của EVFTA đối với quản lý rừng bền vững tại Việt Nam, trong khi các nghiên cứu từ châu Âu làm sáng tỏ cam kết của EU trong việc cân bằng lợi ích thương mại và bảo vệ tài nguyên rừng. Đây là những minh chứng rõ ràng cho việc hiệp định thương mại thế hệ mới có thể thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.

Mô hình kinh tế bền vững trong ngành lâm nghiệp là nội dung chính của phiên thứ năm. Các chuyên gia tập trung vào hệ thống chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES), chiến lược ngân hàng xanh, và kinh nghiệm quốc tế trong tài trợ quản lý rừng bền vững. Những sáng kiến này không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên rừng mà còn mở ra cơ hội phát triển tài chính bền vững cho khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Phiên cuối cùng của hội thảo hướng đến các giải pháp bền vững và ứng dụng công nghệ trong ngành lâm nghiệp. Các nghiên cứu nổi bật bao gồm phát triển chứng nhận rừng nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và thực hiện các tiêu chuẩn công bố thông tin môi trường.

Theo đó, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy thương mại bền vững và bảo tồn tài nguyên rừng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.