VNIDA Hỗ trợ Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu Việt Nam
- December 16, 2022
- Posted by: VNIDA
- Categories: Economics, ESG, Finance
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu Việt Nam
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (tên tiếng Anh là Climate Finance Accelerator, viết tắt là CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu do chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ nhằm hỗ trợ trực tiếp các dự án khí hậu trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính. CFA được triển khai ở chín quốc gia (gồm Nigeria, Colombia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Peru, Pakistan, Ai Cập, và Việt Nam) nhằm mục tiêu khuyến khích cung cấp dòng tài chính cần thiết để những quốc gia này thực hiện tham vọng giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5°C.
Công ty TNHH PwC (Việt Nam) là đơn vị đối tác thực hiện chương trình CFA tại Việt Nam. Đến với chương trình CFA, các đơn vị phát triển dự án sẽ nhận được hỗ trợ và huấn luyện, đào tạo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện học hỏi và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, và các nhà hoạch định chính sách. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo, chương trình CFA Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo dành cho các đơn vị phát triển dự án và các tổ chức tài chính địa điểm dự kiến tại Hà Nội. Đây là cơ hội để các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà đầu tư và trình bày dự án của mình.
Dự kiến, chương trình CFA tại Việt Nam sẽ lựa chọn 8 – 12 dự án được tham gia hoạt động đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, tiềm năng giảm nhẹ các vấn đề khí hậu, các vấn đề bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp các đơn vị phát triển dự án có đủ năng lực huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các lĩnh vực thuộc phạm vi hỗ trợ của chương trình CFA tại Việt Nam bao gồm (nhưng không giới hạn): Năng lượng tái tạo; Hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; Phương tiện giao thông điện; Cấp nước; Xử lý nước thải; Quản lý chất thải; Sản xuất năng lượng từ rác thải; Sản xuất phát thải carbon thấp; Nông nghiệp xanh; Phi carbon hóa trong lĩnh vực xây dựng.
Theo dự kiến, chương trình CFA tại Việt Nam sẽ tổ chức một sự kiện tại Hà Nội vào mùa xuân năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị phát triển dự án được lựa chọn với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.
Về Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu Việt Nam
Chương trình CFA Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho dự án của quý vị
CFA là chương trình mang tính thực tiễn, hướng đến các kết quả cụ thể nhằm hỗ trợ các dự án khí hậu cải thiện khả năng vay vốn và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính.
Để có thể lập ra dự án với đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cũng là một thách thức. Đặc biệt, những dự án carbon thấp vẫn được đánh giá có mức rủi ro cao do các công nghệ và mô hình kinh doanh còn mới, chưa được nhiều người biết đến và hiểu rõ. Các rào cản về mặt quy định và chính sách cũng tạo ra trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn ở quy mô lớn.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ nâng cao năng lực để giúp các dự án giảm nhẹ các vấn đề khí hậu tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Xin lưu ý rằng chương trình CFA không cung cấp tài chính cho các dự án.
Giới thiệu chương trình CFA Việt Nam
Xây dựng năng lực
Đơn vị phát triển dự án sẽ nắm bắt được những thông tin chuyên sâu giá trị và xây dựng năng lực để phát triển được các dự án hấp dẫn và sẵn sàng để gọi vốn. Khi tham gia hoạt động xây dựng năng lực, các đơn vị phát triển dự án sẽ được tìm hiểu và đối sánh với các dự án có khả năng vay vốn hoặc các dự án thành công, giúp các đơn vị này tự tin tiếp cận các tổ chức tài chính cũng như được đào tạo về cách cấu trúc tài chính cho dự án. Chương trình cũng thúc đẩy hoạt động chia sẻ các thông lệ tốt nhất giữa các quốc gia triển khai chương trình CFA
Tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư
Chương trình CFA cung cấp cho các đơn vị phát triển dự án thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính thông qua hình thức làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng. Qua các buổi làm việc, các đơn vị phát triển dự án sẽ nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư để từ đó xây dựng dự án cho phù hợp. Thông qua mạng lưới của chương trình CFA, các đơn vị phát triển dự án có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư thương mại, cũng như các tổ chức cho vay ưu đãi trong và ngoài nước.
Cơ hội kết nối mạng lưới
Các đơn vị phát triển dự án sẽ có cơ hội mở rộng mạng lưới với các bên liên quan chính trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Cụ thể, các bên liên quan này có thể là các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức tư nhân khác, cùng với nhóm các dự án đang đối mặt với những thách thức tương tự. Mạng lưới này sẽ mang lại cho các đơn vị phát triển dự án nhiều lợi ích lâu dài cùng các cơ hội trong lĩnh vực carbon thấp ở hiện tại và trong tương lai.
Đạt được các mục tiêu phát thải carbon thấp
Chương trình CFA hỗ trợ các dự án hình thành và quảng bá những tác động tích cực của mình. Với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực khí hậu, chuyên gia trong ngành và chuyên gia về tác động xã hội, chương trình CFA sẽ giúp các dự án đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của quốc gia và địa phương, cũng như góp phần đạt được các lợi ích khác như giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học.
Chi tiết đăng ký dự án
Các loại dự án mà chương trình hỗ trợ
Chương trình CFA hỗ trợ các dự án carbon thấp đang có nhu cầu tìm kiếm nguồn tài chính.
Các dự án đăng ký đáp ứng các tiêu chí sau sẽ được ưu tiên tham gia chương trình CFA:
- Dự án được thiết kế để đạt được các kết quả đo lường được về khí hậu, dựa trên lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp cắt giảm được hoặc hỗ trợ cắt giảm được.
- Dự án có thể đến từ các công ty đang hoạt động tại Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp “xanh hóa” dây chuyền sản xuất và danh mục dự án, hoặc là các dự án carbon thấp mới, mang tính đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
- Có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Các dự án có nhu cầu huy động vốn thấp hơn có thể được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Chương trình cũng khuyến khích sự tham gia của các quỹ hoặc các cấu trúc tương tự trong đó bao gồm nhiều dự án ở quy mô nhỏ hơn.
- Đã đạt đến (tối thiểu) giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
- Có mô hình kinh doanh có thể tạo ra lợi nhuận khả thi về mặt thương mại trong dài hạn (có thể sẽ cần đáp ứng từ đầu một số yếu tố theo cơ chế vay ưu đãi).
- Chương trình đặc biệt khuyến khích những dự án có thể chứng minh được các tác động xã hội tích cực cũng như các đóng góp thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.
- Các lĩnh vực thuộc phạm vi hỗ trợ của chương trình CFA bao gồm (nhưng không giới hạn): Năng lượng tái tạo (ưu tiên cho các dự án tập trung vào Giải pháp lưu trữ năng lượng, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp lập kế hoạch vận hành và loại bỏ dần việc sử dụng than đá, v.v.); Hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; Phương tiện giao thông điện (bao gồm nhưng không giới hạn ở xe buýt điện, ô tô điện, xe máy/ xe đạp điện, sản xuất và lắp ráp pin xe điện và hạ tầng sạc điện); Cấp nước; Xử lý nước thải; Quản lý chất thải; Sản xuất năng lượng từ rác thải; Sản xuất phát thải carbon thấp (bao gồm nhưng không giới hạn ở lĩnh vực tiết kiệm nước, tái chế nước, xanh hóa chuỗi cung ứng và hoạt động logistics); Nông nghiệp xanh (xanh hóa chuỗi giá trị, các giải pháp công nghệ nông nghiệp và ứng dụng số hóa thông minh); Phi carbon hóa trong lĩnh vực xây dựng.
- Ngôn ngữ sử dụng trong đề xuất dự án: tiếng Anh hoặc/và tiếng Việt. Chương trình đặc biệt khuyến khích hồ sơ đăng ký bằng tiếng Anh.
Để tìm hiểu thêm thông tin và đánh giá dự án có phù hợp với các tiêu chí của chương trình hay không, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại đây