Vì đâu thành viên độc lập HĐQT hoạt động thiếu hiệu quả
- September 12, 2023
- Posted by: VNIDA
- Categories: Independent Directors, VNIDA
TheLEADER Doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của thành viên độc lập HĐQT, thành viên độc lập dù thiếu kiến thức và năng lực chuyên môn nhưng vẫn tham gia vào HĐQT chỉ vì cả nể là hai trong số nhiều yếu tố làm mở nhạt tiếng nói của họ trong các quyết sách.
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của thành viên độc lập HĐQT
Tâm lý “có hay không, không quan trọng”
Mặc dù đã có một số quy định về thành viên độc lập HĐQT trong quản trị công ty nhưng đánh giá của Hội Thành viên độc lập HĐQT (VNIDA), việc thực thi trách nhiệm và bổn phận của các thành viên HĐQT nói chung và thành viên độc lập HĐQT nói riêng phụ thuộc nhiều vào ý thức cũng như năng lực của từng cá nhân và trình độ quản trị của từng công ty.
Bởi lẽ, việc đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn cơ bản theo quy định pháp luật hiện hành chưa đồng nghĩa với việc các thành viên độc lập HĐQT có đủ năng lực và đảm bảo tính chuyên nghiệp cần thiết.
Các thành viên độc lập HĐQT tại các công ty cổ phần hiện nay được các cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đề cử và được bầu theo nguyên tắc dồn phiếu. Nhưng thực tế chưa có một cơ chế hiệu quả để quản lý, đánh giá, cung cấp kiến thức, kỹ năng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bổn phận cũng như có sự đảm bảo cam kết của một thành viên độc lập HĐQT với các cổ đông.
Trong thực tiễn, có nhiều lý do để HĐQT hoặc ban giám đốc/ban điều hành muốn tạo áp lực lên thành viên độc lập HĐQT để thông qua một quyết sách nào đó chưa chắc có lợi cho công ty và/hoặc có lợi cho tất cả cổ đông. Tuy nhiên, sẽ có những thành viên không đủ năng lực hoặc có năng lực nhưng lại thiếu bản lĩnh, tính độc lập khách quan để đưa ra ý kiến đúng đắn.
Một số ý kiến được VNIDA ghi nhận rằng có tồn tại nhận thức việc thành viên độc lập HĐQT có ý kiến hay không có ý kiến cũng không quan trọng, dẫn tới sự đóng góp của họ cho các quyết sách hết sức mờ nhạt. Nghị quyết của HĐQT được thông qua dựa trên đa số về mặt hình thức trong đó thành viên độc lập có thể bỏ phiếu thông qua vì nể nang hoặc theo “chỉ đạo”, hoặc thậm chí chỉ để hợp thức hóa.
Bên cạnh đó, hiện tại chưa có quy định về chuẩn mực đạo đức đối với các thành viên HĐQT, đặc biệt là thành viên độc lập, nên trong quá trình thực thi bổn phận và trách nhiệm không tránh khỏi rủi ro phát sinh liên quan đến các vấn đề về vi phạm đạo đức.
Khi không có quy định về chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử chi phối, thành viên độc lập HĐQT có thể có sự thông đồng hoặc tư lợi để thông qua những vấn đề không có lợi cho công ty hay toàn bộ các cổ đông mà chỉ có lợi cho một nhóm cổ đông cụ thể, thậm chí có thể có các trường hợp vi phạm pháp luật để đạt được mục đích của nhóm lợi ích.
Do chưa có quy định về khung năng lực cũng như quy định, hướng dẫn về chuẩn mực đạo đức, việc lựa chọn, giới thiệu và đề cử chuyên gia vào các vị trí thành viên độc lập HĐQT tại các công ty cổ phần chỉ mang tính hình thức, không đi vào bản chất. Vì vậy việc đề cử và bổ nhiệm thành viên độc lập HĐQT ở một số công ty cũng chỉ như “đánh trống ghi tên” chứ không thực sự tham gia vào hoạt động của HĐQT.
Tâm lý nhờ cậy và cả nể
Một bất cập lớn khác được VNIDA chỉ ra là tâm lý nhờ cậy, quan hệ quen biết, tham gia cho có đủ số lượng từ cả phía cổ đông và doanh nghiệp lẫn phía thành viên độc lập HĐQT.
Do chưa nhận thức rõ về sự cần thiết của thành viên độc lập HĐQT nên doanh nghiệp thường tìm người có quan hệ quen thân, các cổ đông “lớn” mời hoặc tiến cử người “quen” cho đủ số lượng, miễn là thành viên độc lập HĐQT được bầu không gây rắc rối hay phản biện nhiều.
Khảo sát cũng ghi nhận một số công ty cổ phần còn chưa chú trọng vào việc tìm người có năng lực thực sự mà mới dừng lại ở việc thực hiện yêu cầu của pháp luật cho mục đích tuân thủ. Doanh nghiệp thậm chí chấp nhận chịu phạt chứ không đi tìm người đủ năng lực hay đề cử người phù hợp do lo ngại việc bất đồng ý kiến.
Trong khi đó, các cổ đông nhỏ cũng chưa nhận thức được hết về vai trò, thẩm quyền và ảnh hưởng quan trọng của thành viên độc lập HĐQT hoặc chưa thực sự tin tưởng vào cơ chế, năng lực và đặc biệt là tính chuyên nghiệp của họ.
Cũng vì vậy mà chưa có nhiều trường hợp các cổ đông thực hiện chất vấn và khiếu kiện việc trách nhiệm của các thành viên độc lập HĐQT trong quản trị công ty khi giá trị cổ phiếu bị tác động bất lợi cũng như kết quả hoạt động của công ty yếu kém.
Bên cạnh đó, việc đề cử và bầu thành viên độc lập HĐQT phần đa nằm trong tay cổ đông chi phối thay vì ở người đại diện vốn dẫn đến việc thành viên độc lập HĐQT có sự e ngại nhất định khi đã được đề cử và được bầu. Tính độc lập trong việc ra các quyết định của họ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Từ phía thành viên độc lập, kết quả khảo sát của VNIDA và thực tế trên thị trường cũng ghi nhận có trường hợp vì quen biết, cả nể nên nhận lời tham gia làm thành viên độc lập HĐQT hoặc nhiều khi chỉ để có được danh tiếng cũng như động cơ tài chính, nhưng chưa có được nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của một thành viên độc lập HĐQT cũng như những rủi ro mà thành viên HĐQT nói chung và thành viên độc lập HĐQT nói riêng sẽ phải đối mặt.
Một số khác thì chưa chú trọng đến tư cách và tính chuyên nghiệp cũng như các kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết phải có để có thể thực hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nhiều trường hợp thành viên độc lập HĐQT không tự tin về hiểu biết và chuyên môn của mình về quản trị công ty và về hoạt động của công ty để thực thi hiệu quả vai trò, trọng trách và bổn phận. Do được “nhờ cậy” hoặc được “giao việc” nên nhiều người cũng không có đủ thời gian để chuyên tâm phục vụ công ty theo đúng vai trò được kỳ vọng.
Một số trường hợp khác, các thành viên độc lập HĐQT nói riêng và thành viên HĐQT nói chung lại có những lợi ích cá nhân hoặc các động cơ khác có thể xung đột với lợi ích công ty hoặc lợi ích của tất cả cổ đông. Việc thiếu vắng quy định hoặc không tu dưỡng về chuẩn mực đạo đức và ứng xử có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột lợi ích hoặc thiếu trách nhiệm của thành viên HĐQT.
Các thành viên HĐQT gồm cả thành viên độc lập HĐQT đối mặt với rủi ro pháp lý cao nhưng chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả về trách nhiệm tài chính nên chưa đủ tự tin để tham gia ứng cử hoặc để có tiếng nói bảo vệ quan điểm của mình trong vai trò thành viên HĐQT.
Thù lao trả cho các thành viên HĐQT nói chung và thành viên độc lập HĐQT nói riêng nhiều trường hợp ở mức chưa thỏa đáng, vì vậy chưa khuyến khích được các thành viên HĐQT phát huy hay quan tâm nhiều đến hoạt động của công ty. Vẫn còn tâm lý làm “cho xong” hoặc vì những động cơ khác phía sau, thậm chí có thể có những đánh đổi về lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, VNIDA nhận định, các thành viên HĐQT nói chung và thành viên độc lập HĐQT nói riêng không có được chỗ dựa về chuyên môn và pháp lý để có được sự tự tin, sự ủng hộ cũng đang là một rào cản để có được hiệu quả và vị thế cần thiết trong thực thi sứ mệnh của mình.