Thúc đẩy doanh nghiệp Việt quan tâm đến ESG
- May 13, 2024
- Posted by: VNIDA
- Categories: ESG, VNIDA
Theo Tổng giám đốc CGS Việt Nam Nguyễn Viết Thịnh, trong bối cảnh toàn cầu hướng tới các quy định chặt chẽ hơn về môi trường, xã hội và quản trị, việc doanh nghiệp chọn phát triển bền vững sẽ cải thiện sức hấp dẫn với các nhà đầu tư |
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược Công ty CP Sợi Thế Kỷ cho biết, từ năm 2017, Sợi Thế Kỷ đã tích hợp định hướng phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh hàng năm. Năm 2021, Công ty đưa hệ thống điện mặt trời áp mái vào hoạt động và đang trên hành trình nâng tỷ trọng sợi tái chế lên 60 – 70%. Nỗ lực của Sợi Thế Kỷ thuận theo bối cảnh phát triển bền vững của ngành dệt may khi các công ty và thương hiệu lớn trên toàn cầu tham gia Hiến chương ngành thời trang hành động vì khí hậu. Hiến chương đưa ra năm 2019 với mục tiêu năm 2030, giảm 50% phát thải khí nhà kính, đến năm 2050 đưa phát thải khí nhà kích về 0. Sợi Thế Kỷ quyết tâm đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và liên tục nỗ lực cắt giảm, tái sử dụng, tái chế nguyên liệu. Theo đó, Công ty được sự hợp tác của nhiều bạn hàng quốc tế, phát triển kinh doanh và mang lại lợi ích cho nhiều chủ thể. Từ năm 2021 đến nay, Sợi Thế Kỷ nộp thuế trên 100 tỷ đồng/năm, thu nhập cho người lao động ổn định và trả cổ tức cho cổ đông tăng hàng năm. Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2024-2027, với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc tăng tỷ trọng sợi tái chế, sử dụng năng lượng sạch và tuân thủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Nhìn ra quốc tế, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc CGS Việt Nam dẫn một nghiên cứu của KPMG cho biết, các công ty càng lớn càng có xu hướng thực hiện Báo cáo phát triển bền vững để chia sẻ mục tiêu và các nỗ lực thực tế của mình. Khảo sát 100 doanh nghiệp lớn nhất tại 58 quốc gia của KPMG cho thấy, số doanh nghiệp thực hiện Báo cáo phát triển bền vững tăng liên tục hàng năm, đạt 79% vào năm 2023. Dưới góc độ cổ đông, việc doanh nghiệp công bố Báo cáo phát triển bền vững mang lại nhiều lợi ích, nhất là tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng độ tin cậy, tăng khả năng tiếp cận thị trường mới và từ đó, tăng khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Một khảo sát khác của Ernst & Young cho biết, 78% nhà đầu tư mong muốn các công ty họ đầu tư sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững vì sự tương lai dài hạn, ngay cả khi điều này làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Tổng giám đốc CGS Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hướng tới các quy định chặt chẽ hơn về môi trường, xã hội và quản trị, việc doanh nghiệp chọn phát triển bền vững sẽ cải thiện sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn tín dụng xanh trên toàn cầu. Doanh nghiệp có khả năng tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo nguồn doanh thu mới, thu hút và giữ chân người tài và tạo sự khác biệt về thương hiệu.
Tuy nhiên, thực hành ESG sẽ không có tác dụng nếu doanh nghiệp sai lầm trong chiến lược và yếu kém trong kinh doanh hoặc việc thực hành không đủ để mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các công ty cùng ngành. Ông Thịnh chia sẻ phương pháp tiếp cận phát triển bền vững của CGS, theo đó, nhân lực và tổ chức; chính sách và quy trình; cơ sở hạ tầng và công nghệ là 3 nhân tố định hình chiến lược, mục tiêu và khả năng thực thi phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các khách mời là thành viên hội đồng quản trị, nhân sự chuyên trách ESG, quản trị công ty, công bố thông tin… đã tham dự Hội thảo “ESG in Action – ESG với các hành động thực tiễn” tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 23/4/2024 |
Đánh giá về hiện trạng tại Việt Nam, theo ông Thịnh, tỷ lệ doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn thấp (dưới 10%, tính trong giai đoạn 2012-2022). Nhiều doanh nghiệp thiếu sự gắn kết giữa chiến lược và hoạt động kinh doanh với sáng kiến phát triển bền vững, thiếu các mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững, chưa xác định được các vấn đề trọng yếu phải làm để thực hiện mục tiêu này. “Một trong các thách thức đối với doanh nghiệp là việc chưa xác định được các chỉ số ESG để làm căn cứ đặt mục tiêu cũng như quản lý và đo lường hiệu quả của các hoạt động phát triển bền vững. Các chỉ số ESG được lựa chọn cần đúng trọng tâm và phù hợp với bối cảnh phát triển bền vững của doanh nghiệp”, ông nói và khuyến nghị, chiến lược phát triển bền vững nên được tích hợp và trở thành một phần của chiến lược hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Sinh Thắng, Chủ tịch Hội thành viên Hội đồng quản trị độc lập Việt Nam (VNIDA), việc thiếu các chương trình làm việc mạnh mẽ và sâu sát ở cấp độ hội đồng quản trị về các vấn đề phát triển bền vững là một trong các lý do khiến cho ESG chưa được triển khai sâu và hiệu quả tại doanh nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào ESG, có doanh nghiệp đã bước đầu tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp, nhưng cũng có các doanh nghiệp chỉ đơn thuần hướng đến việc làm mạnh thương hiệu. Cũng có nhiều doanh nghiệp còn hoài nghi giá trị mang lại của các hành động ESG… Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và đối tác quốc tế ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn đối tác, sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, hiểu và triển khai ESG là con đường không thể khác để doanh nghiệp trong nước đứng vững và phát triển trên thương trường.