Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu
- August 5, 2022
- Posted by: VNIDA
- Category: Independent Directors
(KTSG Online) – Việc kiểm soát thông tin được cho là giải pháp quan trọng giúp lành mạnh hóa hoạt động trên thị trường chứng khoán hiện nay, trong đó có những yêu cầu về mặt quản trị thông tin từ phía các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang nỗ lực “trong sạch hóa” và “lành mạnh hóa”, nhiều mặt trái của thị trường đã được các chuyên gia nêu lên, trong đó có bài toán sự bất cân xứng về mặt thông tin.
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” do báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 25-5, bà Nguyễn Hoài Thu, thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu, Công ty Quản lý quỹ Vincapital, cho biết một trong những giải pháp giúp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán là cần kiểm soát và hạn chế giao dịch nội gián và tình trạng “bơm thổi” giá cổ phiếu do một hay vài nhóm nhà đầu tư nào đó thực hiện.
Theo bà Thu, các thông tin nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng nhỏ trước khi công bố đại chúng, nên các nhà đầu tư trên thị trường khi biết thì thường đã quá muộn.
“Giao dịch nội gián ở Mỹ có thể bị phạt hình sự, còn ở Việt Nam thì cơ chế chưa chặt chẽ”, bà Thu nhìn nhận. Do đó, thị trường cần thiết có những quy định rõ hơn về thông tin nội gián, có quy chế chia sẻ thông tin sao cho công bằng với tất cả các nhà đầu tư.
Đặc biệt, bà Thu cũng cho rằng nên cấm người nội bộ của công ty bình luận về giá cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang quản lý, tức không được phép nói cổ phiếu rẻ hay đắt vì điều này mang tính định hướng thị trường. “Điều này hàm ý là họ chia sẻ thông tin trọng yếu trong khi ở nước ngoài không được phép”, bà Thu nói.
Bên cạnh đó, đại diện VinaCapital cũng cho rằng cần phải tách bạch hoạt động tư vấn phân tích và tự doanh của các công ty chứng khoán để hai bên không gây ảnh hưởng đến nhau. Tương tự, điều này ở thị trường chứng khoán nước ngoài đã quy định rất rõ trong khi ở Việt Nam thì chưa.
Ở góc độ khác, ông Phan Quốc Bửu, Giám đốc phân tích ngành Công ty chứng khoán BSC khu vực phía Nam, cho biết hiện nay khối phân tích tiếp cận thông tin từ các công ty có vốn hóa lớn tương đối dễ dàng, tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận thông tin lại yếu, thậm chí là khó tiếp cận và tìm hiểu về hoạt động doanh nghiệp.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, vấn đề lớn nhất của việc lành mạnh hóa thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá,…Tất cả những thông tin đó có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy cần phải kiểm soát giúp minh bạch hoá thị trường.
Câu chuyện thông tin trên thực tế đã ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến thị trường Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua với nhiều tin đồn đan xen nhau. “Thị trường sống nhờ niềm tin, nếu không quản lý chặt thì nhà đầu tư sẽ tiếp tục hành xử theo tin đồn”, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, bình luận.